Những dòng sông quê
Lượt xem: 382

29-07-2021 10:35

      Trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, bên trái dãy Trường Sơn hùng vĩ, là làng tôi nhỏ bé hiền hòa. Làng Long Đại.

      Làng nằm bên sông. Từ tên sông mới có tên làng, có tên cầu, có tên bến phà. Thời kì kháng chiến chống Mỹ, bến phà Long Đại là điểm vượt sông trọng yếu ở quân khu IV. Máu của dân và quân ta đã thấm đẫm nơi này để giữ cho huyết mạch giao thông được thông suốt trong khói lửa chiến tranh.

      Tuổi thơ và kỉ niệm của chúng tôi, cuộc sống và tình yêu của chúng tôi, cha mẹ và quê hương của chúng tôi chính là dòng sông thân yêu ấy. Sông Long Đại.

     Long Đại - con rồng lớn xanh biếc mềm như lụa. Những hôm trời trong, nhìn từ đỉnh núi Thần Đinh, có thể thấy dòng sông uốn lượn một dải lấp lánh từ dãy Trường Sơn thâm u hùng vĩ về đến bến đò Trung Quán phẳng lặng mênh mông. Về đến Quán Hàu, sông hợp lưu với dòng Kiến Giang đổ ra của biển Nhật Lệ. Biển bao la dung chứa muôn nguồn, có con thuyền giấy chúng tôi thả xuống từ cồn Soi, cồn Nổi, từ bến sông quê...

     Long Đại là con sông nước lợ, lúc thủy triều lên có vị mặn chát như nước biển, vị nhạt hơn khi con nước chảy xuôi....Nước sông rất sạch, dòng nước trong veo có thể nhìn thấu đáy. Nhà tôi ở phía bên bồi, có thể lội ra một quãng cát mịn chục sải bơi mà nước vẫn chưa quá đầu.

      Ngày nhỏ, con sông là nơi chúng tôi kiếm ăn hàng ngày. Một buổi đi học, một buổi chị em tôi đi dũi cá. Có hai loại dũi là dũi tre và dũi lưới. Dũi tre được làm từ các thanh tre vót nhỏ, đan thành hình chóp khum khum ở phần bụng, có cán để cầm. Về sau có dũi lưới. Dũi tre đi nhanh hơn nhưng cá lọt ra ngoài nhiều. Dũi lưới đi chậm do lưới dày nên giữ được cá nhiều hơn. Nước ròng là lúc làm ăn của chúng tôi. Khi các đám rong bày ra, mùa dũi bắt đầu. Một người một cái, hai người một cái cứ đẩy đi một đoạn thì nâng dũi lên coi. Nhìn bọn cá bống mũ béo núc ngọ nguậy, những con tôm giơ càng lên dọa cắn, lũ tép đồng lao xao thật đã mắt. Chỉ khoảng  ba mươi phút dũi, chúng tôi đã đầy giỏ mang về. Trên sông còn rất nhiều ốc đá, loại ốc này ăn rất ngon, béo ngậy, bắt hôm nay hôm sau lại có tiếp. Ốc vặn thì có hình xoắn dài hơn, ăn có vị đắng nhẫn. Rồi ngao, hến, cua, còng... Nhớ những lúc mưa, nước bạc đầu nguồn sỉa về, tôm cá xót mắt bơi lờ đờ, dạt vào bờ, chúng tôi đi vớt nhiều vô kể. Có những loại cá nước lợ là đặc sản như cá mòi, cá móm, cá kình...lien_1

      Thời học cấp ba, chúng tôi thường phải qua đò, nếu đi qua cầu Long Đại thì đạp xe rất xa, gấp ba quãng đường. Có lần đi học sớm qua sông, trời mù sương lạnh, hai đò húc nhau bị chìm. Chúng tôi bơi giữa dòng nước buốt mùa đông rồi được cứu lên, mang cả quần áo ướt lên lớp học. Bạn Hòa từ vụ đó có tên là Hà Bá.  Có lần qua cồn Soi cắt cỏ về gặp gió Nam to bị lật đò, tôi được người làng ra cứu.  Mất hết cỏ của cả một buổi chiều cặm cụi.

      Cũng có lúc con sông nổi giận, nước lũ cuồn cuộn mang theo phù sa củi, gỗ, rác, rều,... Nước dâng cao lên đường, lên sân. Bọn trẻ con lội lụt, đo nước lụt lên xuống, reo hò. Người lớn thì vớt củi, chăn dắt gia súc, gia cầm,... Cũng đã quen với lụt nên người dân ở đây không thấy phiền hà, chịu khó một vài hôm là qua. Nhờ có lụt mà bắp trồng ở cồn Nổi, cồn Soi, ở Trái, ở Đuồi có vị ngọt, vị dẻo, vị thơm  mà không ở nơi nào có được. Bắp Long Đại trở thành một thương hiệu của làng, nổi tiếng gần xa.

       Tôi mang theo tiếng thì thầm của dòng sông quê đi dạy học, cũng là một vùng sông nước mênh mông. Mũi Viết, Cầu Phong Xuân, Cầu Phong Lộc... là những địa điểm gắn liền với con sông Kiến Giang, quê hương thứ hai của tôi. Là con sông nước ngọt, có đoạn lòng sông hẹp và rất sâu, có những chỗ lội hẳm, bước hụt một bước là nước ngập quá đầu, Kiến Giang mang đến cho tôi một góc nhìn, một cảm nhận khác về sông nước. Trên dòng Kiến Giang, cách đoạn có đò ngang, thỉnh thoảng có con đò dọc, đò thả lưới, thả câu... Đặc biệt có rất nhiều bến sông. Bến gắn với đời sống tâm linh của người dân ở đây. Thời trước, người sinh ra được đi đò về nhà từ bến; khi về già khai tử, quan tài cũng xuống bến để đi đò về nơi an nghỉ. Do đó bến rất được đầu tư từ chiều rộng, bậc đi, cây bóng mát. Nay có nhiều thay đổi song bến sông vẫn rất quan trọng, là nơi tắm, giặt, gội đầu, hóng mát, hò hẹn, ngoắt đò bơi...

       Lệ Thủy không năm nào không có lụt, hoặc nhỏ hoặc to. Mưa lớn vài ngày thế là nước dâng cao, chảy cuồn cuộn mang theo phù sa bồi đắp cho các cánh đồng, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, cuốn đi các loại rắn, chuột, sâu bọ. Lụt đến, cá, tôm nhiều hơn. Trẻ con kết bè, kết thuyền chèo chống khắp nơi, í ới kêu nhau. Người lớn tranh thủ thả mẻ lưới cải thiện bữa ăn, tranh thủ đi chợ mua mớ cá tươi, mớ rau muống muốt nước. Có nơi còn thi bơi trong mùa lụt. Cuộc sống xảy ra bình thường, hình như không xáo trộn mấy, có khi còn rộn ràng hơn.

      Mùa lụt năm nay! Khai giảng năm học mới, trời nắng chang chang như giữa mùa hè, ai cũng đoán già đoán non năm này không lụt. Áp thấp nhiệt đới, gió mùa,  mưa và lụt đó là quy luật. Trận lụt thứ nhất vừa đủ để ngập  đường, ngập phòng học và một số nhà ở, vừa đủ để lót một lớp phù sa kiêu hãnh để rồi ai đó bận rộn hơn một chút. Chào tạm biệt, hẹn lâu lâu gặp lại nhé! Nhưng rồi lại mưa, mưa như bưng nước mà đổ trên mái nhà. Nước lên nhanh kinh khủng. Nước khỏa lấp các con đường, vào sân vào nhà như theo bước chân của người đi. Theo như kinh nghiệm các đợt lụt trước, mọi người kê đồ lên cao, bỏ ngăn trên của tủ, bỏ trên tủ, kê giường trên ghế, ... cứ chuyển dần lên cho đến khi nước ngập gần hết người thì bỏ của chạy lấy người. Nhà có tra thì lên tra, nhà cấp bốn thì gọi cứu trợ chở đến nhà hai tầng. Ai cũng vẻ mặt hoang mang, mất hồn. Trẻ con thì buồn thiu, ngơ ngác. Người già thì than thở. Khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa từng thấy, đời cha mình cũng chưa thấy. Nước rút thì tan hoang. Mệ nói, hơn cả chiến tranh. Đúng là cơn đại hồng thủy lịch sử.

      Những xóm làng ven sông xưa nay thường đông đúc, trù phú, yên bình. Ở đó có rất nhiều cái thuận lợi, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, nuôi trồng buôn bán gì cũng dễ dàng,... Rồi một ngày thay đổi. Mùa hạ sông trơ lòng, cháy kháy. Mùa mưa thì thác lũ, chết chóc, kinh hoàng.

      Chúng ta mơ ước một ngày, những con sông lại chảy nhịp điều hòa. Phải giữ rừng, giữ núi. Chặt một cây gỗ thì trồng lại hai cây con.  Đốt một đám đất làm nương thì thu hoạch xong, đợi chúng tái sinh vài năm sau hãy quay lại trồng trọt. Để tự nhiên phát triển đa dạng sinh học theo quy luật của tự nhiên. Trồng cây rừng cũng cần đa dạng. Để cây thân leo mọc bên cây thân gỗ cho vừa cứng cáp vừa mến yêu, cho đủ loại hương rừng rễ rừng giữ nước giữ bóng mát giữ ong bướm muông thú... Từ Bắc vào Nam, đất nước này đến quốc gia kia, sông núi hiền hòa hay thịnh nộ phần lớn cũng bởi bàn tay con người can thiệp.

       Long Đại của tôi liền một dải với Kiến Giang, với Trường Sơn, với biển Đông... Cây đa cao lớn bên bãi chợ rợp bóng cho đàn trâu nằm nhai cỏ phủ lên giấc mơ tôi tiếng rì rào của rễ. Xin màu xanh biếc của nước mãi tốt lành ra đến biển, viết tiếp những câu chuyện muôn đời yêu mến sông quê...

      Nguyễn Thị Hồng Liên, giáo viên Công nghệ

    (*) Tác phẩm đạt Giải Ba hội thi sáng tác thơ văn chào mừng 20/1, năm học 2020-2021

Bản in

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 5
Trong ngày: 79
Trong tuần: 246
Lượt truy cập: 1302926
2021_01_29_10_32_IMG_1892 DSC_6077 DSC_6060 DSC_6026 DSC_5984 DSC_5581 DSC_6025 DSC_5947 DSC_5906 DSC_5791 DSC_5625 DSC_5546 DSC_5520 DSC_5489 2020_11_12_11_01_IMG_1284 2020_11_07_09_41_IMG_1172 2020_11_06_10_43_IMG_1017 2020_10_27_09_33_IMG_0701 2020_10_30_09_55_IMG_0794 10 15x21

banner_chan_thpt_nct1